Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Nguyễn Huy Liệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Nguyễn Sinh Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện; Nguyễn Đức Du, UVBTVHU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện.
Cùng dự còn có các đồng chí trong UVBTVHU, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện; lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Trồng trọt và BVTV; Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Với kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự nỗ lực khắc phục khó khăn của ngành Nông nghiệp và nông dân trong toàn huyện nên sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2022 huyện Ý Yên vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tổng diện tích gieo cấy lúa toàn huyện là 13.110 ha, giống thuần chiếm 96,2% chủ yếu là các giống BC15, Bắc Thơm 7 Kháng bạc lá, Đài Thơm 8, Khang Dân 18….Năng suất bình quân đạt 52,91 tạ/ha; Sản lượng đạt 69.359 tấn. Giá trị sản lượng lúa ước đạt hơn 593 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/ha. Diện tích cây màu hè thu là 592 ha; giá trị sản lượng đạt 35,42 tỷ đồng, bình quân đạt 60 triệu đồng/ha. Tổng diện tích cây vụ đông là 1.817 ha gồm ngô, khoai lang, khoai tây, bí xanh và rau đậu các loại. Giá trị sản lượng đạt 144,85 tỷ đồng, bình quân đạt gần 80 triệu đồng/ha. Năng suất và giá bán của các loại cây trồng được đánh giá là ổn định và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi – thú y tiếp tục được quan tâm. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGap như chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi tuần hoàn. Tính đến tháng 12/2022 toàn huyện có tổng đàn lợn là 33.315 con; tổng đàn trâu bò là 8.567 con; tổng đàn gia cầm là 800.863 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ vụ Thu năm 2021. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.195 ha, sản lượng ước đạt 6.945 tấn.
Để nâng cao giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản sạch liên kết bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều hộ đã tích tụ ruộng đất, tận dụng các diện tích đất bỏ hoang, đầu tư máy cấy và máy móc để giảm công lao động, rút ngắn khung thời vụ, tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế. Điển hình như mô hình liên kết cuộn rơm rạ sau thu hoạch hiện đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện vừa tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp để tăng thêm thu nhập lại hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường . Các mô hình liên kết sản xuất lúa gạo sạch, rau củ quả sạch được duy trì từ nhiều năm nay ở các xã Yên Dương, Yên Cường, Yên Lương, Yên Minh, Yên Ninh… cùng các mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, các con giống đặc sản, nuôi gà đẻ trứng, cá chạch sụn của các hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.
Về kết quả xây dựng Nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022 – 2023 trên địa bàn, thời gian qua, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ đạt của từng tiêu chí cụ thể để huyện có phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo trọng tâm và cụ thể, phù hợp với yêu cầu xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí với mục tiêu chính đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá; trong đó chú trọng công tác lập quy hoạch chung xây dựng của các xã; quy hoạch các điểm, khu dân cư tập trung. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai như: Dự án Xây dựng tuyến đường huyện nối từ đê tả Đáy đến đường 57B huyện Ý Yên; GPMB phục vụ thi công Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án Xây dựng đường Cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn; dự án XD cầu Đống Cao; XD cầu Bến Mới; Dự án đường gom đường sắt... Lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ QL10 ( nút giao Cao Bồ) đến TL ( cầu Lạc Chính); tuyến đường liên xã Yên Bằng - Yên Khang - Yên Đồng - Yên Nhân; Đề xuất sớm triển khai tuyến đường bộ mới từ QL37B ( Ngã Ba Vàng) đến QL10; tuyến đường Phương - Khang; tuyến đường nối từ Đê Tả Đáy ( địa phận xã Yên Thọ) đến huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết quả huy động các nguồn lực xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ tháng 6/2021 đến nay trên địa bàn toàn huyện đạt hơn 360 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 165,2 tỷ đồng, bằng 45,88%; vốn huy động từ doanh nghiệp, các chương trình dự án, cùng nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư và các nguồn vốn khác đạt gần 177 tỷ đồng, bằng 49,11%.
Đến hết năm 2022, huyện Ý Yên có 133 thôn/xóm/ tổ dân phố (chưa sáp nhập) được công nhận đạt NTM kiểu mẫu; 29/31 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. 2 xã Yên Cường và Yên Thắng tiếp tục được chọn làm điểm để triển khai thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong tháng 5/2023, Tổ khảo sát, thẩm định NTM của tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM kiểu mẫu năm 2022 tại xã Yên Cường.
Hội nghị cũng đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2023 và dành nhiều thời gian để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh: Để nông nghiệp phát triển toàn diện, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý và phát triển chăn nuôi đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp an toàn và có tính bền vững cao.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Du, UVBTVHU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện khẳng định: Với vai trò là một trong những ngành chủ lực trong thúc đẩy kinh tế, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã và đang phát triển theo định hướng ngành nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm. Đây cũng là điều kiện để các địa phương tiếp tục chọn lọc ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thực hiện các sản phẩm OCOP. Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện yêu cầu các địa phương trong huyện cần tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu 100% các xã, thị trấn đều về đích NTM nâng cao, các thôn/xóm, Tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hướng trọng tâm đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã biểu dương và đánh giá cao kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông và kết quả xây dựng NTM giai đoạn 2022 – 2023 của toàn huyện. Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn cần tập trung tạo thêm nhiều điểm nhấn trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi nội đồng ngày một đồng bộ; cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn. Đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng; duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap liên kết tiêu thụ có tính bền vững mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, các xã, thị trấn tập trung cao cho sản xuất vụ Mùa, đảm bảo hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/7 trong khung thời vụ tốt nhất.
Cũng tại hội nghị, UBND huyện đã trao Bằng công nhận thôn/xóm/tổ dân phố đạt NTM kiểu mẫu năm 2022 cho 111 thôn/xóm/ tổ dân phố của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ./.
( T/h: Trần Thúy)