Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây do muỗi vằn đốt, truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11.
Khác với triệu chứng của các loại sốt thông thường hoặc do nguyên nhân khác, ở thể nhẹ người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài từ 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban; không kèm theo ho, sổ mũi. Khi bệnh biến chuyển nặng sẽ bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo xuất huyết tự nhiên như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa… Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng. Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết đặc biệt là khi người bệnh có các triệu chứng sốt li bì hoặc bứt rứt, nôn kèm theo đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng ăn, không nhịn uống…
Hiện tại thời tiết đang trong giai đoạn mưa ẩm, thuận lợi cho côn trùng sinh sản và phát triển. Cùng với đó, những dụng cụ tích trữ nước ăn, nước sinh hoạt của người dân chính là điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua UBND huyện Ý Yên đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương đặc biệt là ngành Y tế phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông và tập trung triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh.
Tại huyện Ý Yên, đến nay chưa ghi nhận tình trạng các ca bệnh tăng nhanh. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, để chủ động trong công tác phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã sớm xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về cách phòng tránh một số dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng. Chính quyền các địa phương chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên vận động người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm. Những đồ như chum, vại đựng nước thì cần phải rửa sạch sẽ hoặc che đậy cẩn thận để muỗi không thể ký sinh, đẻ trứng phát triển. Qua thực hiện truyền thông lồng ghép và thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, mỗi người dân đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết từ đó nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh cho bản thân và gia đình; tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường tại gia đình và khu dân cư để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ chuyên môn theo dõi, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại địa bàn được phân công phụ trách; Xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, giám sát, xử lý dịch bệnh tại các xã, thị trấn để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và điều trị kịp thời, khoanh vùng xử lí triệt để. Đồng thời chỉ đạo Trạm y tế cơ sở tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền người dân tích cực chủ động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng bệnh. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện cũng đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, máy móc, vật tư, hóa chất để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy để phòng sốt xuất huyết người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh theo các khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
- Khi bị sốt hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Mọi người, mọi nhà hãy chung tay cùng ngành Y tế thực hiện:
“Không có loăng quăng bọ gậy không có sốt xuất huyết”.
(T/h: Đinh Liên)